Theo học ngành kĩ sư cơ khí 3 năm nhưng nhận ra đam mê của mình là ẩm thực, Dương Huy Khải đã quyết định bỏ lại sau lưng tất cả để chuyên tâm theo đuổi con đường bếp núc. Để giờ đây Việt Nam tự hào vì có một đầu bếp gốc Việt ghi danh trên Đại lộ Danh vọng của nghề bếp California Culinary Academy ở San Francisco (Mỹ), góp phần tạo dựng chỗ đứng cho ẩm thực Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Ấn tượng ban đầu của người viết khi gặp anh chính là sự giản dị, gần gũi, không chút ‘ngôi sao’ của mình. Vị giám khảo của chương trình Top Chef Việt Nam thu hút bởi câu chuyện làm nghề của mình. Đó là một con đường không trải đầy hoa hồng nhưng nghị lực, đam mê sẽ vượt lên mọi khó khăn, dẫn lối thành công.
Một đầu bếp thực thụ phải có cả tâm lẫn tài
Trải qua một tuổi thơ bôn ba khắp nơi từ Nha Trang đến Sài Gòn. Năm 14 tuổi anh sang Mĩ nhưng ẩm thực nước nhà là một dấu ấn không thể quên trong lòng của Dương Huy Khải. Từ nhỏ, anh đã có hứng thú với những món ăn ngon. Những món ăn được anh nếm qua và những món ăn được mọi người kể lại đều trở thành một phần kí ức đẹp.
“Tôi được nghe mọi người kể về các món ăn, nên tôi ghi nhớ. Tôi tự mường tượng ra các món ăn. Nó đi theo tôi mãi, cho đến khi tôi trưởng thành. Âu cũng là trời phú cho tôi tự hình dung về việc mường tượng hóa các món ăn. Nó đi theo tôi mãi mãi, cho đến khi lớn lên. Đó là trời phú cho tôi”.
Niềm đam mê ẩm thực của anh được nuôi dưỡng qua năm tháng, tự học, tự mày mò chứ không qua trường lớp. Sau theo học kĩ sư cơ khí vì cha mẹ định hướng nhưng sau 3 năm, nhận rõ đam mê của mình nên anh bỏ lại tất cả để sang Pháp học nấu ăn.
“Gia đình không ngăn cản tôi, vì đó là đam mê của tôi. Lúc đó, tôi đeo đuổi nghề bếp, mẹ ở Việt Nam, mẹ không biết. Sau 20 năm, tôi về Việt Nam thì tôi lại nói dối là vẫn học kĩ sư chứ không phải đầu bếp. Sau này, mấy anh chị tôi mới nói sự thật với mẹ. Lúc đó, tôi đã được nhiều người biết đến và kiếm sống được bằng nghề bếp, nên mẹ chấp nhận”.
Có đam mê với ẩm thực Việt Nam nhưng lại lớn lên ở nước ngoài nên việc nghiên cứu gặp nhiều khó khăn, cản trở. Lúc này, anh chọn cách tìm hiểu ẩm thực Pháp vì nhận ra đôi nét tương đồng với ẩm thực Việt Nam. Sau có cơ hội, anh lại quay về nước tìm hiểu thêm để giờ đây anh là người Việt hiếm hoi “am hiểu ẩm thực của hai nước Pháp và Việt”.
Lập nghiệp ở nước ngoài, mong muốn quảng bá ẩm thực quê hương đến các thực khách trên thế giới, sự cố gắng của đầu bếp Khải đã được đền đáp. Bởi đối với những thực khách nước ngoài khi nhắc về Việt Nam họ chỉ biết đến phở, bánh cuốn, chả giờ, bánh mì thì khi thưởng thức những món ăn anh chế biến, họ phải thốt lên: “Thật sự món ăn Việt Nam ngon đến vậy sao”.
“Món ăn ngon không chỉ ăn vào để khỏe, có nhiều dinh dưỡng, cảm thấy phấn khởi. Ẩm thực đúng nghĩa còn đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối mọi người, chất chứa và truyền tải những câu chuyện”.
Từng nghĩ nếu không chọn theo con đường bếp núc thì anh vẫn có hàng ngàn lựa chọn để lập nghiệp nhưng nỗi đau đáu mang ẩm thực Việt vươn tầm thế giới vẫn tồn tại trong anh.
“Tôi muốn làm gì đó cho đất nước, khi rời khỏi quê hương tôi đã nghĩ như thế. Và với ẩm thực, tôi tự tin mình có thể làm được điều đó”.
Với Top Chef Việt Nam 2019, anh đã thấy được cơ hội để hoàn thành mong ước của mình vì các đầu bếp Việt Nam sẽ chung tay cùng với anh đưa ẩm thực Việt Nam ra bản đồ thế giới.
Khi bàn về tiêu chí đánh giá một món ăn ngon, Dương Huy Khải dựa trên hai yếu tố là tâm và tài. Chính vì hội tủ đủ yếu tố đó nên anh đã vinh dự là người Việt đầu tiên, người Châu Á thứ hai được vinh danh trên Đại lộ Danh vọng của nghề bếp California Culinary Academy ở San Francisco (Mỹ), tương tự Đại lộ Danh vọng ở Hollywood dành cho những ngôi sao trong lĩnh vực nghệ thuật. Ngoài ra, anh còn đạt được Huy chương vàng với món tổ yến trong một cuộc thi đấu quốc tế được tổ chức ở Bắc Kinh, Trung Quốc vào năm 2012 với qui mô hơn 200 đầu bếp đến từ 20 nước trên thế giới.
Theo quan niệm của anh, khi nấu bất kì món ăn nào cũng cần đặt cái tâm mình vào đó.
“Mình mong mỏi người khách thưởng thức có thể am hiểu được văn hóa Việt Nam chứ không phải đơn thuần là ăn vào miệng rồi thôi. Khi ăn vào họ phải cảm giác được phần tâm ý mà người nấu bỏ vào”.
Ngoài để tâm vào việc chăm chút từng món ăn, Dương Huy Khải còn đặt cái tâm vào cộng đồng. Anh lập nên nhiều quỹ từ thiện quyên góp cho những vùng thiên tai. Đồng thời tài trợ học bổng cho các cô gái miền tây Nam bộ theo học tại Trường Nghiệp vụ Du lịch Sài Gòn, vốn là nạn nhân của nạn buôn người qua biên giới. Với mong muốn họ sẽ có nghề nghiệp, cả thiện đời sống cho gia đình để không còn những trường hợp đau lòng xảy ra nữa.
Trong 35 năm gắn bó với nghề, gặp không ít những khó khăn nhưng bằng tất cả đam mê và lòng yêu nghề, anh đã vượt qua tất cả.
“Thời gian qua Pháp học, tôi không giàu có, không có cha mẹ, chỉ có anh chị thôi. Tôi phải đi ở cho người ta để đổi lấy chỗ ngủ. Mỗi tuần tôi nấu cho họ 6 ngày, chỉ có ngày chủ nhật là được nghỉ. Đó là một điều đáng buồn, mình đổi sức lao động chỉ để lấy chỗ ngủ và cơ may để duy trì việc học”.
Những ngày khởi nghiệp của chàng trai trẻ luôn lắm chông gai, bắt đầu mọi thứ với đôi tay trắng và đôi chân trần. Yếu tố giúp anh vượt qua tất cả vẫn chỉ là hai chữ: đam mê.
Trải lòng về những khó khăn của nghề bếp, anh cho rằng người đầu bếp hi sinh nhiều.
“Họ phải hi sinh thời gian, cuộc sống của mình. Họ phải làm từ sáng cho tới tối. Bởi điểm khởi đầu đâu phải ai cũng lập tức trở thành đầu bếp nổi tiếng, kiếm ra tiền dễ dàng đâu. Họ phải hi sinh từ sức lực của họ để mà họ phấn đấu, họ chứng minh những món ăn họ chế ra. Để đạt được thành công, con đường họ đi sẽ rất khó khăn. Nghề bếp cực lắm, không phải sung sướng đâu, nhất là ở Việt Nam. Còn ở Mỹ, thì họ sẽ từ trường lớp phát triển từ từ”.
Riêng đối với anh, những ngày đầu được nhận vào làm ở một nhà hàng Pháp nổi tiếng tại New York là một điều hạnh phúc dù đồng lương ít ỏi. Đó là khoảng thời gian để anh học tập quý giá.
“Mình được bước chân vào để học những kinh nghiệm đó còn hơn số tiền người ta trả cho mình nữa. Đủ khả năng, đủ trình độ, đủ hết tất cả thì lúc đó tự nhiên tiền nó vào, mọi người sẽ chủ động tìm đến mình. Và lúc này cũng cần cái tâm. Dùng tâm việc học chứ không để tâm vào việc kiếm tiền.”
Top Chef Việt Nam 2019 – con đường quảng bá ẩm thực Việt
Đến với Top Chef Việt Nam 2019, đối với anh đó là một cơ duyên và một cơ hội.
“Tôi mong muốn là chương trình có thể tiếp cận thế giới, mang ẩm thực của nước mình ghi danh vào bản đồ ẩm thực thế giới, để mọi người biết ẩm thực Việt Nam là gì. Đó là điều tôi mong mỏi, ước mơ, để biết ẩm thực Việt Nam mình nó ngon tới như vậy chứ không phải chỉ có phở hay những món ăn đường phố. Và để họ nhận thấy là ẩm thực Việt Nam mình là một trong những nền ẩm thực đứng hàng đầu thế giới”.
Với những kì vọng ấy, anh mong muốn thí sinh phải giỏi, có tâm, có tài, có kiến thức và nghiên cứu về ẩm thực dân tộc để đưa ẩm thực Việt Nam ra thế giới. Bởi suy cho cùng “một cánh én không làm nên mùa xuân”.
“Thứ nhất, tôi có một trái tim rất lớn. Niềm đam mê của tôi quá vượt trội. Không có thứ gì có thể khiến tôi dừng lại được. Thứ hai, tôi có một tình yêu với nước Việt Nam mình, tôi muốn làm gì đó cho tương lai sau này. Cho nên hai điều đó giúp tôi vượt qua những khó khăn rất nhẹ nhàng”.
Dương Huy Khải đích thực là một thần tượng lớn đối với giới đầu bếp Việt Nam. Khi tôi hỏi anh nếu 14 thí sinh của chương trình muốn theo anh học hỏi thì anh có sẵn lòng không. Anh cười lớn.
“Nếu được như vậy thì tôi rất trân trọng và rất quý vì có được những đệ tử giỏi. Với 14 thí sinh thì tôi cũng hay khuyến khích, hay khuyên, hay nói về những bí mật thành công để trở thành đầu bếp cho Việt Nam mình”.
Với cương vị là một giám khảo, anh tự nhận mình là một giám khảo khó tính khi yêu cầu một thí sinh giỏi phải nấu được món ăn “có đủ mùi vị, làm cho giám khảo phải kính phục. Hội đủ tài năng sáng chế, trình bày, nêm nếm mùi vị. Làm cho tôi thấy được cái tài và cái tâm trong đó”.
Bởi lẽ với anh món ăn phải ngon và hình thức phải đẹp mới tương xứng với số tiền mà thực khách bỏ ra. Nấu cho gia đình ăn cũng nên như thế, phải đặt trái tim mình vào. Suy cho cùng “người đầu bếp như một nghệ sĩ” và người ta còn thưởng thức món ăn bằng đôi mắt, bằng chiếc mũi. Một người đầu bếp thành công là khiến người nếm luôn nhớ và quyến luyến hương vị, mùi thơm của món ăn mình làm ra.
Đến với chương trình, đầu bếp Dương Huy Khải bày tỏ niềm vui vì đã trở thành một phần thành viên của mái nhà chung.
“Bởi đây là một chương trình có thể quảng bá ẩm thực Việt ra nước ngoài, cho thế giới biết đến ẩm thực Việt Nam. Mỗi một tập đều mang một câu chuyện, có nước mắt, có tiếng cười, có niềm vui, nỗi buồn. Tôi rất hãnh diện vì đó là những câu chuyện rất thật chứa không phải diễn hay viết ra mà có. Tôi nghĩ khán giả cũng trông đợi giống như tôi vậy”.
Và Top 14 cũng sẽ là thử thách với những vị giám khảo bởi lẽ ai cũng có khả năng và kiến thức. Anh còn hào hứng chia sẻ nếu chương trình vẫn mời anh vào những mùa tiếp theo anh vẫn sẽ tham gia bởi “tôi yêu Việt Nam, yêu ẩm thực dân tộc”.