Theo quan điểm của tổng đạo diễn chương trình Top Chef Vietnam 2019 – Đầu bếp thượng đỉnh người đầu bếp được đánh giá giỏi nhất phải hội tủ đủ tâm và tài, tức không chỉ nấu được một món ăn nhất mà phải có sự am hiểu ẩm thực sâu rộng, chế biến được đa dạng món ăn khiến cho các đối thủ nể phục.

Top Chef Vietnam 2019 thu hút khán giả không chỉ dàn thí sinh và giám khảo chất lượng mà còn ở những thử thách bất ngờ của chương trình

Dù chỉ lên sóng 2 tập đầu tiên nhưng Top Chef Vietnam 2019 – Đầu bếp thượng đỉnh lại nhận được sự quan tâm rất lớn của khán giả cả nước. Bên cạnh việc hào hứng giữa những phần thi đấu hết mình của top 14 thì có không ít tranh luận xoay quanh các món ăn cũng như thử thách mà chương trình đặt ra.

Đặc biệt trong tập phát sóng mới đây, BTC đã quyết định để các đầu bếp tráo đổi món ăn cho nhau khi đang thực hiện giữa chừng trong thử thách Món ăn quê hương. Điều này đồng nghĩa họ sẽ phải có sự am hiểu không chỉ ẩm thực vùng miền của đối thủ mà còn phải chế biến được món ăn đó sao cho ngon và đẹp mắt nhất.

Điều này khiến không ít đầu bếp bất ngờ, thậm chí cho rằng “đây là một thử thách kinh khủng” mà BTC đã đặt ra. Trước những vấn đề này, trên mạng xã hội xuất hiện hai luồng ý kiến trái chiều, một bên cho rằng phải có những thử thách cam go thì thí sinh chiến thắng mới xứng đáng. Tuy nhiên, ngược lại với điều này, số khác lại nghi vấn BTC đang cố tình làm khó thí sinh và chưa thể hiện tính khách quan.

Đạo diễn Nguyễn Nam là giám khảo khách mời trong tập đầu tiên của Top Chef Vietnam 2019

Thế giới văn hóa đã có cuộc trò chuyện ngắn với tổng đạo diễn của chương trình – anh Nguyễn Nam để hiểu rõ hơn về thử thách bất ngờ này.

Theo đạo diễn Nguyễn Nam, với vai trò là những người tổ chức, anh gửi lời cảm ơn khán giả đã có những ý kiến góp ý cho chương trình. Bên cạnh đó, vị đạo diễn này cho rằng: “Là một tổng đạo diễn của chương trình Top Chef  nói riêng và các chương trình khác nói chung, thì mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là tìm được một người tạm gọi là hoàn hảo từ đạo đức nghề, kĩ năng, tính sáng tạo.

Với nghề đầu bếp, con người và đạo đức vẫn là chính. Chương trình Top Chef cũng vậy, một đầu bếp giỏi không đơn thuần là chỉ nấu được một món ngon nhất mà người giỏi nhất là người khiến những người giỏi khác công nhận bạn là người giỏi nhất. Ngoài câu chuyện thế mạnh của bạn, bạn phải am hiểu, trải nghiệm thì mới có cơ hội trở thành người thắng cuộc.

Việc đổi bếp cho nhau, đầu tiên là giao lưu văn hóa, chẳng hạn như các bạn ra Bắc, bạn có muốn ăn phở không? Các bạn miền Bắc vào Trung có muốn ăn bún bò Huế không? Thì đó là sự trải nghiệm, là sự thưởng thức ẩm thực của vùng miền, địa phương. Với các đầu bếp cũng vậy, món nào họ cũng phải nấu.

Các bạn đã từng học qua trường lớp chuyên nghiệp và từng có thời gian làm ở nhà hàng có tiếng. Muốn chuyên nghiệp hơn, các bạn phải học hỏi thêm đó mới chính là nghề của bạn.

Với khán giả, các bạn có muốn một ngày ăn 3 món lặp lại hay không? Nếu các bạn nói rằng không thì chương trình cũng sẽ vậy. Chương trình sẽ luôn thay đổi để tạo sự hấp dẫn. Ngày hôm nay chúng tôi chiêu đã món khô thì mai món nước… Không thể nào để một chương trình lập đi lập lại quá nhiều lần”.

Nam đạo diễn thẳng thắn chia sẻ về những tranh luận ngay sau 2 tập phát sóng

Trước ý kiến cho rằng chương trình đang cố tạo drama để thu hút khán giả chứ không hoàn toàn hướng tới tính chuyên môn, nam đạo diễn thẳng thắn cho biết: “Khi các bạn tới ăn một nhà hàng nào thì các bạn phải tìm hiểu trước người đầu bếp đó giỏi hay dở. Tại sao có những quán phở họ nổi tiếng 50 năm ở đời người mẹ, nhưng đến qua đời con, đời cháu thì thương hiệu nó giảm dần, hoặc nó tăng thêm. Việc đầu tiên nó nằm ở con người.

Việc thi đấu ở một cuộc thi luôn có tính cạnh tranh, mà khi đã cạnh tranh sẽ có mâu thuẫn. Đây là những thử thách để các đầu bếp bộc lộ cá tính của mình. Còn câu chuyện cuộc thi cạnh tranh khốc liệt và có những điều khác xảy ra thì không thể không tránh khỏi.

Drama của chương trình là tạo ra những món ăn ngon nhất gửi đến khán giả. Còn những câu chuyện của cá tính chỉ là một phần nền rất nhỏ trong chương trình, không phải là mong muốn của chương trình”.

Theo quan điểm của đạo diễn Nguyễn Nam khán giả nên theo dõi xuyên suốt chương trình để có cái nhìn khách quan và những mong muốn mà ekip đã truyền tải

Ngoài ra, để giải thích về việc đánh tráo món ăn giữa các đầu bếp với nhau sẽ không tạo được sự khách quan khi có những đầu bếp am hiểu món ăn đối phương, nhưng có người lại hoàn toàn xa lạ với ẩm thực mà đối thủ đang chế biến, đạo diễn Nguyễn Nam phân tích thêm: “Một cuộc thi sẽ không có ai thiệt thòi và không có ai được lợi, mỗi một vòng sẽ được thay đổi, thay đổi đề bài, về gout ẩm thực… Các bạn chỉ coi 2 tập, tại sao không đợi đến tập cuối rồi đánh giá?

Mỗi một tập chúng tôi luôn thay đổi cách thức thực hiện, thử thách khác nhau. Bếp Âu, bếp Á, bếp Bắc, bếp Nam… đều có cơ hội được thể hiện. Thông điệp năm nay của chương trình là đưa món Việt ra thế giới thì nhiệm vụ của các đầu bếp phải là: đem được nước mắm cho người Âu ăn được thì mới tài… Và còn nhiều thứ khác.

Ngày này hôm nay thử thách này là lợi thế của thí sinh A nhưng hôm sau chưa chắc họ đã có lợi thế đó. Rất mong khán giả sẽ xem tới tập cuối cùng để biết rằng tất cả những sự yêu thích, đúng sai nó sẽ nằm ở cuối chương trình”.